Về văn bản tác phẩm Tú_Xương

Tình hình văn bản tác phẩm của Tú Xương hết sức phức tạp, không có di cảo, không có những công trình đáng tin cậy tập hợp tác phẩm khi tác giả còn sống hoặc vừa nằm xuống. Sinh thời, nhà thơ sáng tác dường như chỉ để tiêu sầu hoặc mua vui, thơ làm đọc lên cho vợ con, bạn bè nghe, rồi tùy ý truyền khẩu. Thành Nam thuở ấy còn có nhiều người hay thơ và thơ hay, cùng nỗi niềm và khuynh hướng với Tú Xương như Trần Tích Phiên, Phạm Ứng Thuần, Trần Tử Chi, Vũ Công Tự,... Thơ họ cũng được phổ biến không ít. Lại 3 năm một lần thi hương, sĩ tử cả Bắc Kỳ tụ hội về đây, thơ hay được lan truyền càng rộng rãi, vì thế thơ Tú Xương càng dễ bị lẫn lộn.

Lúc đầu chỉ là các bài sưu tầm đăng rải rác trên tạp chí Nam Phong (các năm 1918, 1919, 1920, 1926). Tiếp đến sách "Văn đàn bảo gián (quyển 3)" của Trần Trung Viên, Nam Ký thư quán Hà Nội 1926, giới thiệu 79 tác phẩm, trong đó phần lớn đã được đăng ở Nam Phong; từ đó lần lượt xuất hiện những sách chuyên đề về Tú Xương. Có hai văn bản chữ Nôm hiện còn lưu giữ ở thư viện Hán - Nôm đó là Vị thành giai cú tập biên (ký hiệu AB.194) ghi rõ "Nam Định Vị Xuyên tú tài Phượng Tường Trần Cao Xương Tử Thịnh trước tập" và Quốc văn tùy ký (ký hiệu AB.383). Có 10 lần xuất bản bằng chữ quốc ngữ với những văn bản sau:

  • (1) Vị Xuyên thi văn tập của Sở Cuồng (tức Lê Dư), Nam Kỳ thư quán (1931 - sau có tái bản): Giới thiệu 174 tác phẩm gồm thơ, phú, câu đối; mà sau này các sách khác thừa hưởng kết quả, nhưng chép nhầm tên ông là Trần Kế Xương.
  • (2) Trông dòng sông Vị (Văn chương và thân thế Trần Tế Xương) của Trần Thanh Mại, Trần Thanh Địch (1935 - lần thứ nhất) ở Huế, sau tái bản nhiều lần.
  • (3) Tú Xương thi tập do nhà sách Phúc Chí - 95 Hàng Bồ, Hà Nội (1950): Giới thiệu 75 bài thơ phú.
  • (4) Thân thế và thơ văn Tú Xương của Vũ Đăng Văn - nhà xuất bản Cây Thông, Hà Nội (1951): Đính chính tên nhà thơ là Trần Tế Xương (không phải Kế) và giới thiệu 181 tác phẩm.

Những sách này là từ trước 1954, sưu tầm thơ Tú Xương còn hết sức tùy tiện và hầu như không có chú giải cần thiết. Việc khảo cứu về nhà thơ cũng chưa được đặt ra, nếu không kể đến cuốn Trông dòng sông Vị.

  • (5) Văn thơ Trần Tế Xương - nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội (1957): Giới thiệu chính thức 125 bài và đưa 55 bài vào phần tồn nghi.
  • (6) Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương - nhà xuất bản Nghiên cứu cục xuất bản, Bộ Văn hóa, Hà Nội (1957) của Trần Thanh Mại nhân dịp lần thứ 50 ngày giỗ Tú Xương.
  • (7) Tú Xương con người và nhà thơ của Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ - nhà xuất bản Văn hóa (1961): Giới thiệu 193 bài chính thức, 17 bài tồn nghi.
  • (8) Thơ Trần Tế Xương - Ty văn hóa Nam Hà (1970): Bài tiểu luận của Xuân Diệu in lần đầu tiên ở đây, có nhiều phát hiện lý thú; còn tác phẩm chỉ tuyển chọn chẵn 100 bài - nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ.
  • (9) Thơ văn Trần Tế Xương - nhà xuất bản Văn học (1970) - có sự tham gia của Nguyễn Công Hoan chọn 151 tác phẩm và 22 bài tồn nghi.
  • (10) Thơ văn Trần Tế Xương - nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội (1984): Cuốn này sao gần như hoàn toàn cuốn (9).

Chỉ có cuốn Tú Xương tác phẩm giai thoại của nhóm Nguyễn Văn Huyền (chủ biên), Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn và người giới thiệu - giáo sư Nguyễn Đình Chú - Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh (1986) là một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng và công phu. Loại ra các tác phẩm không phải của tác giả, so sánh, đối chiếu các bản đã in ở những lần xuất bản trước, chọn ra 134 bài là của Tú Xương và loại ra 68 bài (có chú dẫn nguyên nhân loại ra cho từng bài một). Bài viết này lấy tư liệu chủ yếu ở cuốn sách đó.

Sau này, nhất là thời mở cửa, việc xuất bản tràn lan không được kiểm định kỹ đã lấy tư liệu ở các nguồn khác nhau kể trên, điều đó cũng giải thích tại sao các blog lại đưa ra các tư liệu khác nhau về Tú Xương.